Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Bánh căn - món ngon dân dã không thể bỏ qua khi tới vùng biển Phan Thiết

Bánh căn Phan Thiết có thể được xem là một trong những món bánh đặc trưng của cư dân vùng biển Phan Thiết. Những nguyên liệu chính tạo nên món bánh điều bắt nguồn và tận thu từ biển như nước mắm, mắm nêm, cá kho, …là những nguyên liệu sẵn có và không thể thiếu được trong bữa ăn của người dân nơi đây.
Bánh-căn-Phan-Thiết-1

Tại sao gọi là bánh căn vậy ta??? Hihi Đây đây, theo sự nghiên cứu của mình sỡ dĩ có tên bánh căn là vì khi chín bánh căn phồng lên, giòn đều ở mặt dưới, xốp mịn ở mặt trên. Đáng lẽ ra sẽ gọi là bánh “căng” mới đúng chính tả nhưng do ngữ điệu địa phương cứ gọi bánh “căn” nên từ đó “chết” cái tên món là vậy luôn. Hihi
Bánh-căn-Phan-Thiết-2


Bánh căn có nét hao hao giống bánh khọt nên các bạn ở tỉnh khác du hí tới Phan Thiết thường nhầm lẫn bánh căn là bánh khọt hihi. Nhưng không phải đâu, 2 món có cách chế biến khác nhau, hương vị cũng khác không lẫn vào đâu được.
Bánh căn cũng làm từ bột gạo rồi được đổ trong khuôn như bánh khọt, nhưng dùng khuôn đất và không tráng mỡ vào khuôn. Nhờ vậy, bạn sẽ có cảm giác ăn hoài không ngán, không có cảm giác “ớn” dầu như bánh khọt. Bánh chín được nạy ra, úp hai chiếc vào nhau, ở giữa có hành lá thái nhỏ để bánh dậy mùi thơm. Bánh căn không tính bằng “cái” mà tính “cặp”, do “hình thể” bé nhỏ của nó. Một người có thể ăn từ 6 - 10 cặp là no ứ hự luôn.
Bánh-căn-Phan-Thiết-3
Ðể đổ bánh căn, người ta dùng một lò đất nung tròn to. Bên trên là khuôn bánh được khoét lỗ tròn đều, trên đó đặt 8 - 16 chén đất (dùng làm khuôn đổ bột) tùy vào lượng người ăn; phần thân lò để chứa than hồng. Phần thân và khuôn được ngăn cách bằng những mảnh gạch nhỏ được đập vỡ ra để thông gió. Sau khi than đã hừng, đợi lò thật nóng mới cho khuôn lên lò. Thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ rồi đậy khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử lò và tráng khuôn. Người ta dùng chiếc cạy bằng kim loại để đưa bánh ra khỏi khuôn. Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô lại, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín và có thể ăn được. Ăn ngay khi bánh còn nóng hổi, như thế mới ngon.
Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước khoảng từ 6 - 8 tiếng rồi đem xay thành bột loãng. Muốn bánh có độ xốp và tơi thì bí quyết là trước khi đem xay cho thêm vào chút ít cơm nguội. Khi pha bột cũng cần chú ý lượng nước vừa đủ để bánh đạt được độ giòn như ý.
Để thưởng thức món bánh căn một cách hoàn hảo nhất thì không thể thiếu nước chấm – đây gọi là linh hồn của món ăn. Có 3 loại nước mắm thường dùng đó là: nước mắm cá kho, mắm nêm và nước mắm chanh tỏi ớt. Cá kho được dùng thường là cá nục, cá cơm…kho thật nhiều nước, nếm vừa ăn đủ làm nước dùng. Mắm nêm là món mắm khoái khẩu đặc trưng của người miền Trung. Mắm chanh tỏi ớt được chế biến từ nước mắm pha loãng, có tỏi, ớt, chanh, một số quán để tiện phục vụ người ăn chay thì họ thường pha nước muối thay nước mắm.
Xíu-mại-Phan-Thiết
Bánh căn được ăn kèm với nhiều món nhỏ như: trứng vịt luộc, trứng cút luộc, xíu mại, da heo, cá kho, những món “bé” này góp phần làm món ăn trở nên thú vị và giúp bạn có thêm nhiều sự lựa chọn. Và đặc biệt là không thể thiếu những miếng xoài bầm hay khế bầm, tạo thêm vị chua chua, khiến thực khách có cảm giác là lạ, ăn hoài không thấy ngán ngáy. À thiếu thiếu cái gì ấy nhỉ?? Là tóp mỡ, đúng đúng là tóp mỡ, chà chà tóp mỡ của bánh căn hơi “bị” đặc biệt nha. Không dùng mỡ động vật để thắng lên thay vào đó là những mẫu bánh mì khô cắt thành hạt lựu chiên giòn, vừa cắn đã tan vào trong miệng. Thích lắm!
Bánh-căn-Phan-Thiết-4

Bánh căn ăn thấy ngon nhất là vào lúc trời lạnh hoặc lúc mưa, ta nói ngồi ngay cái lò nóng, nhăm nhi vài cặp bánh căn nóng hổi thì ấm lòng hẳn ra, tuyệt cú mèo không gì bằng luôn.
Một số địa chỉ bán bánh căn siêu đông tại Phan Thiết nhé:
-Bánh căn Lân Nguyệt, số 8 Hải Thượng Lãng Ông
-Bánh căn Trần Phú, số 178 Trần Phú
-Bánh căn cô Tuyết, số 139 Lê Hồng Phong
-Bánh căn 18 Ngư Ông


 💞 Có thể bạn quan tâm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét